Để sử dụng TheCanada.life, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

Loader

Tổng Kiểm toán Canada công bố báo cáo về tình trạng tồn đọng đơn đăng ký thường trú của IRCC

Văn phòng Tổng Kiểm toán (OAG) vừa công bố kết quả của báo cáo về việc xử lý đơn đăng ký thường trú của Bộ Di trú, Người tị nạn và Quốc tịch Canada (IRCC).

Mục đích của cuộc kiểm toán là để xác định xem liệu IRCC có xử lý đơn đăng ký thường trú nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể hay không.

OAG phục vụ Quốc hội Canada thông qua việc tiến hành kiểm toán nhằm chứng minh thông tin khách quan, dựa trên thực tế và lời khuyên của chuyên gia. Quốc hội sử dụng các cuộc kiểm toán này để đo lường hiệu quả hoạt động của chính phủ. OAG cũng yêu cầu chính phủ liên bang phải chịu trách nhiệm về việc xử lý công quỹ.

Báo cáo OAG được đưa ra sau khi số lượng tồn đọng các đơn đăng ký thường trú, tạm trú và xin cấp quyền công dân của IRCC vượt 2 triệu hồ sơ trong thời kỳ đại dịch. Sự gia tăng này đi kèm với sự chậm trễ trong quy trình xử lý cho tất cả các loại đơn đăng ký.

Dữ liệu từ cuộc kiểm toán bao gồm việc xử lý các đơn đăng ký PR theo các chương trình sau:

Diện kinh tế: Chương trình Lao động lành nghề liên bang, Chương trình Lao động lành nghề Quebec và Chương trình đề cử tỉnh bang (PNP)

Bảo lãnh gia đình: Chương trình bảo lãnh vợ/chồng, người sống chung như vợ chồng và con cái phụ thuộc

Diện nhân đạo: Chương trình người tị nạn được chính phủ hỗ trợ và chương trình người tị nạn được tổ chức tư nhân tài trợ

Những kết luận

Báo cáo của OAG kết luận rằng “bất chấp những nỗ lực gần đây nhằm cải thiện thời gian xử lý và giảm bớt tình trạng tồn đọng hồ sơ trở nên tồi tệ hơn trong thời kỳ đại dịch, hầu hết những người nộp đơn đăng ký thường trú tại Canada vẫn phải chờ đợi rất lâu để Bộ Di trú, Người tị nạn và Quốc tịch Canada xử lý đơn đăng ký của họ, và mọi người nộp đơn vào các chương trình tị nạn bị ảnh hưởng nhiều nhất."

Báo cáo của OAG nhận thấy rằng những người tị nạn bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thời gian chờ đợi lâu. Trung bình, những người tị nạn được tổ chức tư nhân bảo trợ phải đợi 30 tháng để có quyết định trong khi vợ/chồng ở nước ngoài hoặc những người sống chung như vợ/chồng ít nhất 1 năm  chỉ phải đợi 15 tháng.

Hơn nữa, báo cáo lưu ý rằng IRCC đã phân công khối lượng đơn đăng ký cho các văn phòng khu vực mà không xác định xem liệu văn phòng đó có đủ nguồn lực hay không. OAG đưa ra ví dụ về văn phòng Dar es Salaam (Tanzania), nơi có khối lượng công việc được giao lớn gấp năm lần so với văn phòng Rome (Ý), mặc dù cả hai văn phòng đều có số lượng nhân viên tương đương nhau.

Ngoài ra còn có sự khác biệt về quy mô và độ tuổi của hồ sơ tồn đọng theo quốc tịch ở bảy trong số tám chương trình thường trú đã được kiểm tra, và rằng các văn phòng có lượng hồ sơ tồn đọng lớn về hồ sơ tị nạn đã bị thiếu nguồn lực trong nhiều năm.

Cuối cùng, OAG cho biết IRCC đã không giám sát việc triển khai công cụ đánh giá tính đủ điều kiện tự động của mình để đánh giá liệu công cụ này có làm giảm thời gian xử lý tổng thể cho tất cả người nộp đơn như dự định hay không, hoặc để xác định và giải quyết mọi kết quả bất đồng ngoài ý muốn cho người nộp đơn.

Các khuyến nghị

Báo cáo bao gồm sáu khuyến nghị chính để cải thiện thời gian xử lý và giải quyết các hồ sơ tồn đọng.

  • IRCC nên tạo ra các tiêu chuẩn dịch vụ đáng tin cậy và có thể đạt được cho tất cả các chương trình PR, bao gồm các chương trình tị nạn. OAG cũng cho biết thông tin trực tuyến về thời gian xử lý phải được cung cấp cho tất cả các đơn đăng ký PR, có tính đến số lượng và tuổi của các đơn đăng ký đã tồn đọng.
  • IRCC nên thực hiện ngay các biện pháp để xác định và giải quyết thời gian chờ đợi chênh  lệch nhằm hỗ trợ xử lý hiệu quả trong tất cả các chương trình PR. Đáng chú ý, báo cáo cho biết IRCC nên tạo lập và triển khai kế hoạch thu thập trực tiếp thông tin về chủng tộc và văn hóa dân tộc từ những người nộp đơn để giúp giải quyết mọi sự phần biệt chủng tộc trong thời gian chờ đợi.
  • IRCC nên đánh giá các đơn đăng ký tồn đọng để xác định và xử lý sự chậm trễ trong quá trình xử lý trong tầm kiểm soát của mình. Điều này bao gồm việc chờ đợi thông báo của viên chức. OAG khuyến nghị thêm rằng Bộ cũng nên ưu tiên hoàn tất các đơn đăng ký tồn đọng cũ hơn.
  • Để cải thiện tính nhất quán về thời gian xử lý đơn đăng ký giữa các văn phòng của mình, IRCC phải điều chỉnh khối lượng công việc được giao với các nguồn lực sẵn có. Điều này cần được hỗ trợ bằng thông tin đáng tin cậy về năng lực trong các văn phòng của mình. OAG khuyến nghị hành động ngay lập tức để giải quyết lượng hồ sơ tồn đọng đã bị để dồn ở một số văn phòng có năng lực xử lý hạn chế.
  • IRCC nên kiểm tra kết quả về thời gian xử lý liên quan đến việc sử dụng các công cụ ra quyết định tự động và giảm thiểu những khác biệt này càng nhiều càng tốt, bao gồm việc phân bổ lại đủ nguồn lực cho các hồ sơ được chuyển sang xử lý thủ công. IRCC nên triển khai ngay các cổng ứng dụng trực tuyến cho các chương trình tị nạn của mình, đồng thời nỗ lực hoàn thành sáng kiến ​​Hiện đại hóa nền tảng kỹ thuật số.

Phản hồi của Bộ trưởng

Bộ trưởng Nhập cư Marc Miller cho biết ông hoan nghênh báo cáo của OAG và nhấn mạnh rằng những phát hiện từ năm 2022 không nhất thiết phản ánh tình trạng tồn đọng hồ sơ hiện tại của IRCC. Ông đã đưa ra một tuyên bố ngay sau khi báo cáo được công bố.

Ông nói: “Nhiều chương trình nhập cư hiện đã quay trở lại hoặc gần đạt được tiêu chuẩn dịch vụ. “Tính đến tháng 9 năm 2023, Bộ đã xử lý hơn 80% đơn đăng ký diện tay nghề cao liên bang theo tiêu chuẩn dịch vụ đã nhận được kể từ tháng 7 năm 2022. Ngoài ra, hơn 80% đơn đăng ký của vợ/chồng, và con cái (trừ Quebec) đã nhận được kể từ tháng 4 năm 2022 đã được xử lý theo tiêu chuẩn dịch vụ. Chúng tôi cũng cam kết giám sát và đánh giá việc sử dụng công nghệ của mình để giúp xử lý các hồ sơ.”

Ông tiếp tục cho biết kể từ khi cuộc kiểm toán được tiến hành, IRCC đã tiếp tục giảm lượng hồ sơ tồn đọng thông qua việc số hóa đơn đăng ký, tuyển dụng và đào tạo thêm nhân viên cũng như khai thác việc sử dụng các công nghệ tự động hóa.

Tiêu chuẩn dịch vụ

IRCC đã tuyên bố đặt mục tiêu xử lý 80% tất cả các đơn đăng ký theo tiêu chuẩn dịch vụ, hoặc thời gian cần thiết để đưa ra quyết định cuối cùng về đơn đăng ký. Bộ cho biết 20% ​​còn lại sẽ mất nhiều thời gian hơn để xử lý do tính phức tạp của chúng.

Khoảng thời gian cần thiết để xử lý đơn đăng ký có thể khác nhau tùy thuộc vào từng loại chương trình. Ví dụ: đơn đăng ký Express Entry cho thường trú phải được xử lý trong vòng sáu tháng, trong khi bảo lãnh gia đình phải mất tới một năm.

Một hồ sơ chưa được hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn dịch vụ được coi là tồn đọng.

Số lượng đơn đăng ký thường trú hiện tại còn tồn đọng

Dữ liệu gần đây nhất từ ​​IRCC cho thấy có 2.198.700 đơn đăng ký còn tồn kho trong tất cả các chương trình nhập cư tình tới ngày 31 tháng 8. Trong số này, có 646.000 đơn đăng ký thường trú và 291.000 đơn, tương đương 45%, đang còn tồn đọng.

IRCC lưu ý rằng dữ liệu trong tháng 8 có thể thấp hơn một chút so với con số thực tế do vấn đề kỹ thuật (không xác định).

Trong số những người nộp đơn thuộc diện kinh tế, 12% đơn đăng ký Express Entry, 27% đơn đăng ký PNP Express Entry và 17% đơn đăng ký PR của vợ/chồng và người phụ thuộc được cho là tồn đọng.

Số lượng hồ sơ tồn đọng của Express Entry và vợ/chồng vượt mục tiêu tiêu chuẩn dịch vụ là 20%. Tuy nhiên, khi đặt mục tiêu giảm lượng hồ sơ tồn đọng, IRCC đã dự đoán rằng số đơn đăng ký PNP trong chương trình Express Entry sẽ ở mức 24% vào tháng 8 năm 2023.

Điều gì gây ra tình trạng tồn đọng?

Mức cao kỷ lục về số lượng đơn đăng ký tồn đọng là vào tháng 7 năm 2022 khi IRCC báo cáo gần 2,7 triệu đơn đăng ký chưa được xử lý.

Số đơn chưa được xử lý phần lớn có thể được cho là do đại dịch COVID-19. Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, IRCC không thể xử lý đơn đăng ký do văn phòng đóng cửa. Tuy nhiên, Bộ vẫn tiếp tục nhận đơn đăng ký cho tất cả các chương trình.

IRCC cuối cùng đã ngừng tổ chức các đợt rút thăm Express Entry cho Chương trình lao động lành nghề Liên bang và Chương trình tay nghề Liên bang nhóm thợ vào tháng 12 năm 2020, sau đó tạm dừng các đợt rút thăm theo diện Lao động có Kinh nghiệm Canada vào tháng 9 năm 2021. Trong khi các ứng viên PNP tiếp tục nhận được Thư mời nộp đơn (ITA).

Các đợt rút thăm Express Entry đã không được mở lại cho đến tháng 7 năm 2022. Trong khoảng thời gian này, IRCC bắt đầu tăng năng lực xử lý thông qua các biện pháp như tăng cường số hóa và tuyển thêm nhân viên. Bộ trưởng Nhập cư khi đó là Sean Fraser đã cam kết thời gian xử lý là sáu tháng đối với tất cả các đơn đăng ký Express Entry mới trong khi vẫn chưa rõ ràng về thời gian xử lý các đơn đăng ký trước đó.

Sau khi ngừng đảm nhận chức vụ vào tháng Tư năm nay, Bộ trưởng Fraser cho biết IRCC đã quay trở lại tiêu chuẩn dịch vụ trước đại dịch đối với đơn đăng ký thường trú, đoàn tụ gia đình và các diện kinh tế liên bang thông qua hệ thống Express Entry.

Số lượng hồ sơ chưa được xử lý đã giảm chậm nhưng ổn định kể từ mức cao vào tháng 7 năm 2022 nhưng vẫn chưa giảm xuống dưới mốc 2 triệu. Vào năm 2022, IRCC đã xử lý hoàn tất hơn 5,2 triệu đơn đăng ký cho tất cả các chương trình nhập cư.

Kế hoạch mức độ nhập cư

Số lượng đơn đăng ký lớn cũng có thể là do Kế hoạch mức độ nhập cư đầy tham vọng của Canada.

Kế hoạch mức độ nhập cư đặt ra mục tiêu về số lượng thường trú nhân mà Canada dự định tiếp nhận trong ba năm tới. Ví dụ, theo kế hoạch hiện tại cho giai đoạn 2023-2025, IRCC sẽ tiếp nhận 465.000 thường trú nhân vào năm 2023 và mục tiêu này sẽ tăng lên 485.000 vào năm 2024, và lên tới 500.000 vào năm 2025.

Mục tiêu cao hơn có nghĩa là Canada phải tiếp nhận và xử lý nhiều đơn đăng ký hơn. Do đó, IRCC có số lượng đơn đăng chưa được xử lý cao hơn so với trước đây.

Kế hoạch mức độ nhập cư mới sẽ được công bố vào hoặc trước ngày 01 tháng 11 năm nay cho giai đoạn 2024-2026. Bộ trưởng Di trú hiện tại Marc Miller cho biết ông không nghĩ rằng kế hoạch mới sẽ đưa ra các mục tiêu thấp hơn.

Nguồn tin: cicnews.com

© Bản tiếng Việt của thecanada.life

ĐỌC THÊM

  • We accept We accept