Cuộc chiến thương mại Mỹ-Canada đe dọa làm chệch hướng triển vọng phi carbon hóa của cả hai nền kinh tế - dù có thể mở ra cơ hội dài hạn cho Canada.
Các mức thuế song phương đối với thép và nhôm đã có hiệu lực, giới công nghiệp đang chuẩn bị đón nhận thêm biểu thuế từ Mỹ áp dụng từ 2/4. Dù Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp thuế ôtô nhập khẩu từ Mexico và Canada vào ngày này, các quan chức gần đây cho biết thuế ngành hàng sẽ bị loại khỏi đợt áp thuế lần này.
Canada là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất nhôm carbon thấp và đang phát triển mạnh ngành xe điện (EV). Thuế quan cũng có thể đe dọa ngắn hạn tới xuất khẩu khoáng sản chiến lược và thiết bị lưới điện - những mặt hàng Mỹ đang cần để điện khí hóa.
Trong khi Mỹ dưới thời Trump đang nhanh chóng từ bỏ các chính sách phi carbon hóa, Canada - sẽ tổng tuyển cử vào 28/4 - vẫn đang vật lộn giảm phát thải đủ để đạt mục tiêu, ngay cả dưới thời chính phủ được coi là thân khí hậu của cựu Thủ tướng Justin Trudeau.
Tuy nhiên, các ngành công nghiệp sạch của Canada có thể hưởng lợi về lâu dài, bắt đầu từ lĩnh vực xe điện.
Xe xăng chịu thuế cao hơn xe điện?
Năm 2024, Canada xuất khẩu 78,8 tỷ CAD (54,8 tỷ USD) ôtô và linh kiện sang Mỹ, đồng thời nhập khẩu 81,92 tỷ CAD từ nước này. Việc áp thuế lên chuỗi cung ứng tích hợp cao này - nơi linh kiện thường qua lại biên giới nhiều lần khi lắp ráp - sẽ đẩy giá lên đáng kể.
Theo nghiên cứu của BloombergNEF, do xe xăng truyền thống chứa nhiều linh kiện xuyên biên giới hơn EV, thuế ôtô có thể đẩy giá dòng xe này lên mạnh hơn, tạo lợi thế tương đối cho xe điện.
"Tác động tổng thể khá thú vị vì thuế quan thực sự có thể tốt cho sản xuất EV so với xe động cơ đốt trong (ICE)", Antoine Vagneur-Jones, Trưởng bộ phận Thương mại & Chuỗi cung ứng BNEF nhận định.
Lợi thế này sẽ giảm nếu khoản tín dụng thuế tiêu dùng 7.500 USD cho EV sản xuất Bắc Mỹ theo Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) của Mỹ bị bãi bỏ dưới thời Trump. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng xe xăng vẫn có khả năng chịu tác động mạnh hơn.
Trong khi đó, Canada đã sao chép mức thuế quan 100% của Mỹ đối với xe điện Trung Quốc — một mức thuế cao hơn nhiều so với của EU. Điều này mang lại sự bảo vệ cho các nhà sản xuất Bắc Mỹ khỏi sự cạnh tranh của Trung Quốc, nhưng cũng có thể làm giảm động lực để họ nâng cao năng lực cạnh tranh, Vagneur-Jones nói.
Dù chậm chân trong cuộc đua EV - hiện mới chỉ sản xuất số ít mẫu xe thuần điện và plug-in hybrid - Canada kỳ vọng xây dựng hệ sinh thái sản xuất ôtô điện và pin nội địa, tận dụng nguồn cung kim loại/khoáng sản chiến lược cùng năng lượng sạch dồi dào. Nước này đã đầu tư hàng chục tỷ CAD thu hút các nhà sản xuất EV và pin như Ford, Stellantis, GM, Volkswagen, Honda và Northvolt đặt nhà máy tại Ontario và Quebec 5 năm qua.
Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt thách thức lớn ngay cả trước thời Trump: Nhiều kế hoạch bị hủy bỏ, thu hẹp hoặc trì hoãn. Người tiêu dùng Canada chậm chuyển đổi sang EV.
Andrew McKinnon, Giám đốc Chính sách của Accelerate (đại diện chuỗi cung ứng EV Canada), cho biết xe ICE vẫn cần sinh lời để trợ cấp cho sản xuất EV. "Bạn phải cứu ngành ôtô truyền thống trước khi cứu những gì nó sẽ trở thành", ông nói.
Tuy nhiên, Ollie Sheldrick-Moyle, quản lý chương trình kinh tế sạch cho Clean Energy Canada, lập luận rằng có những bước mà Canada có thể thực hiện để giảm tác động của thuế quan của Trump.
Nếu Canada có thể khai thác, tinh chế và sử dụng nhiều khoáng sản quan trọng hơn, điều đó sẽ thúc đẩy hiệu quả của ngành công nghiệp xe điện trong nước. Phá vỡ các rào cản kinh tế giữa các tỉnh, áp dụng nhiều ưu đãi cho khách hàng hơn và mở rộng quan hệ thương mại ra ngoài Mỹ cũng sẽ giúp ích, Sheldrick-Moyle nói.
Trong khi đó, khi Mỹ dường như có khả năng loại bỏ các chính sách và tín dụng thuế thân thiện với khí hậu khác, Canada có tiềm năng cung cấp một nơi cho các đồng đô la đầu tư công nghệ sạch bị mắc kẹt. Các chính sách thương mại của Mỹ cũng có thể khuyến khích điện khí hóa hơn nữa trên lưới điện của Canada, đặc biệt nếu xuất khẩu máy biến áp điện và thiết bị lưới điện của Canada (và Mexico) sang Mỹ giảm, như phân tích của BNEF cho thấy có thể xảy ra.
"Chúng ta có thể sản xuất điện giá cả phải chăng dồi dào trong biên giới của mình và sử dụng nó để đáp ứng nhu cầu của các gia đình mỗi ngày," Sheldrick-Moyle nói.
Thép, nhôm Canada tìm thị trường mới
Cơ hội cũng mở ra với các ngành khác. Nhôm là vật liệu then chốt trong EV, tấm pin mặt trời, tuabin gió và linh kiện lưới điện. Mỹ nhập phần lớn nhôm từ Canada - nơi xuất khẩu khoảng 90% sản lượng sang Mỹ.
Nhôm Canada thuộc loại sạch nhất thế giới nhờ sử dụng thủy điện và công nghệ mới như tế bào điện phân không carbon của Rio Tinto tại Quebec. Thép cũng được dùng trong ngành ôtô và nhiều công nghệ xanh.
Sheldrick-Moyle cho biết Canada đã đầu tư mạnh vào sản xuất thép carbon thấp và có nguồn cung quặng sắt chất lượng cao ổn định.
Thuế nhôm và thép sẽ làm tăng chi phí sản xuất công nghệ sạch tại Mỹ - và có thể tăng lượng carbon nếu sử dụng nhôm "bẩn" hơn. Các khách hàng tiềm năng như nhà sản xuất tuabin gió và EV hiện chưa sẵn sàng trả phí cao để mua vật liệu bền vững.
Khi Canada tìm cách đa dạng hóa quan hệ thương mại, họ có cơ hội tiếp cận chính sách mới ưu đãi nhà sản xuất xanh. EU sẽ triển khai cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) vào năm tới, trong khi Anh áp dụng chính sách tương tự năm 2027 bao gồm cả phát thải Scope 2.
"Trong tương lai, khi các nước đều áp dụng chính sách này, nó sẽ tạo ra khác biệt đáng kể", Vagneur-Jones nhận định.
Dù chiến tranh thương mại có thể cản trở tiến trình, về trung-dài hạn, "lộ trình phi carbon hóa toàn cầu vẫn rõ ràng", Rick Smith, Chủ tịch Viện Khí hậu Canada khẳng định.
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, Mark Carney tuyên bố kế hoạch thiết lập hành lang thương mại mới với các đối tác "đáng tin cậy" và xây dựng nền kinh tế Canada thống nhất từ 13 tỉnh/vùng lãnh thổ. Ông cam kết biến Canada thành "cường quốc về cả năng lượng truyền thống và sạch".
Ngày 17/3 tại London, Carney - người từng đề cập việc Canada phát triển CBAM riêng - gợi ý Mỹ có thể phải đuổi theo Canada trong những năm tới nếu nước này bắt kịp tiêu chuẩn carbon châu Âu.
"Người Mỹ sẽ lại quan tâm" đến công nghiệp xanh, ông nói. "Họ có bầu cử 4 năm/lần. Ba tháng trước họ rất quan tâm vấn đề này, giờ đột nhiên không quan tâm nữa. Họ sẽ lại quan tâm thôi".
©2025 Bloomberg L.P.
Bản tiếng Việt của The Canada Life