Các doanh nghiệp ngày càng lo ngại về gian lận ESG, đó là khi các nỗ lực hoặc dữ liệu về môi trường, xã hội và quản trị của công ty bị phóng đại, thêu dệt hoặc bóp méo.
Một khảo sát mới của KPMG ở Canada với 300 tổ chức Canada là nạn nhân của gian lận cho thấy 89% số người được hỏi cho biết họ đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ các bên liên quan để chứng minh sự tiến bộ trong các mục tiêu ESG.
Phần lớn những người được hỏi cho biết họ lo lắng những áp lực này đang làm tăng nguy cơ gian lận ESG.
Đa số cũng cho biết họ lo lắng tổ chức của họ có thể vô tình phạm tội gian lận ESG.
Becky Seidler, một đối tác trong lĩnh vực tư vấn pháp lý và tranh chấp của KPMG, cho biết áp lực từ các bên liên quan có thể là động lực tạo ra sự thay đổi tích cực, nhưng cũng có thể thúc đẩy một số người trình bày sai các chỉ số tài chính và tính bền vững vì lợi ích cá nhân hoặc doanh nghiệp.
Bà nói: “Hậu quả của gian lận ESG có thể rất đáng kể, bao gồm tổn hại về tài chính và danh tiếng, cũng như có thể mất giấy phép xã hội để hoạt động nếu niềm tin của các bên liên quan bị tổn hại.”
Seidler cho biết gian lận ESG có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, bao gồm làm sai lệch mức bù đắp carbon trong báo cáo, tẩy rửa xanh, lạm dụng quỹ trợ cấp ESG và các hình thức khác.
Gần 1/4 các tổ chức được khảo sát, tất cả đều xử lý gian lận trong 5 năm qua, cho biết họ đã hoặc đang gặp phải gian lận ESG.
KPMG cho biết, trong một số trường hợp, hành vi gian lận diễn ra trong nội bộ, có nghĩa là các nhân viên hoặc nhóm trong công ty bị phát hiện đã thêu dệt, bóp méo hoặc phóng đại dữ liệu hoặc nỗ lực ESG.
Những người khác đang giải quyết vấn đề gian lận ESG bên ngoài từ các nhà cung cấp hoặc vendor. Và vẫn còn những người khác đã xử lý gian lận ESG cả nội bộ và bên ngoài.
Với sự giám sát chặt chẽ xung quanh việc tiết lộ và hoạt động của ESG hiện nay, Seidler cho biết hành vi gian lận hoặc trình bày sai lệch về ESG có thể dẫn đến một cuộc điều tra của Cục Chứng khoán hoặc Cục Cạnh tranh, hoặc thậm chí là một vụ kiện tập thể.
Seidler cho biết cuộc khảo sát nhấn mạnh sự cần thiết của các tổ chức phải có biện pháp kiểm soát mạnh mẽ để có thể xác định và ngăn chặn gian lận ESG.
Bà nói: “Gian lận ESG là một rủi ro mới và đang nổi lên đối với nhiều tổ chức. Đó là lý do tại sao điều quan trọng đối với các doanh nghiệp là phải sớm xây dựng các biện pháp phòng vệ chống gian lận trong chiến lược ESG của mình một cách chủ động, thay vì phản ứng sau khi sự việc xảy ra.”
© 2024 The Canadian Press
BẢN TIẾNG VIỆT CỦA THE CANADA LIFE